Bệnh viện 19‑8 vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiếp cận quản lý toàn diện Hội chứng Mạch vành mạn”. Hội thảo nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, cập nhật các hướng tiếp cận điều trị hiện đại cho đội ngũ bác sĩ, dược sĩ và cán bộ y tế đang công tác tại bệnh viện. Đây là cơ hội để cán bộ y tế tiếp cận kiến thức chuyên sâu, tăng cường trao đổi chuyên môn trong lĩnh vực tim mạch – một trong những chuyên ngành trọng điểm tại bệnh viện.
ThS.BS Lê Mạnh – Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện 19‑8) trình bày báo cáo với chủ đề: “Những vấn đề còn bàn luận thông qua tình huống lâm sàng – Điều trị kiểm soát đau thắt ngực sau tái thông mạch vành”. Báo cáo đưa các tình huống lâm sàng thực tế, cập nhật phác đồ điều trị theo khuyến cáo ESC 2024, đồng thời phân tích sâu về các chiến lược điều trị Hội chứng mạch vành mạn.

GS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng (Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam) thăm khám một ca bệnh tim mạch tại Bệnh viện 19-8.
Một trường hợp bệnh nhân nam 62 tuổi có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường và đã đặt stent động mạch vành cách đây 3 năm nhập viện trong tình trạng xuất hiện các cơn đau ngực trái theo từng đợt, mỗi cơn kéo dài 2–5 phút, kèm khó thở nhẹ, cảm giác tức nghẹt; các cơn đau giảm khi nghỉ ngơi. Sau thăm khám và xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán đau thắt ngực ổn định độ III kèm hội chứng động mạch vành mạn. Bệnh nhân được điều trị nội khoa kết hợp thay đổi lối sống nhằm giảm triệu chứng, hạn chế tiến triển mảng xơ vữa và cải thiện chất lượng cuộc sống, hoạt động thể lực.
ThS.BS Lê Mạnh nhấn mạnh: “Việc giải quyết mảng xơ vữa mạch vành không đồng nghĩa với việc chấm dứt hoàn toàn tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ.” Ngoài ra, cơ chế bệnh sinh cũng được trình bày từ góc nhìn đa yếu tố, giúp rút ra bài học quan trọng trong tiếp cận và điều trị dựa trên các ca lâm sàng được minh họa.

Các y bác sĩ tiến hành thăm khám thực tế các ca bệnh lâm sàng và trao đổi chuyên môn.
Tại Hội thảo, các bác sĩ còn nghe ThS.BS Phạm Nhật Minh (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ báo cáo với chủ đề “Ứng dụng khuyến cáo ESC 2024 trong thực hành quản lý Hội chứng mạch vành mạn”. ThS.BS Phạm Nhật Minh đã hệ thống hóa các hình thái lâm sàng theo ESC 2024, giới thiệu mô hình bốn bước tiếp cận bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh, minh họa qua tình huống thực tế. Báo cáo làm rõ chiến lược chẩn đoán bệnh nhân ANOCA/INOCA (đau thắt ngực hoặc triệu chứng tương đương không có tắc nghẽn mạch vành), đánh giá mức độ tắc nghẽn động mạch vành, chỉ định tái thông khi cần thiết và đề xuất hướng điều trị toàn diện, phối hợp thuốc theo cá thể hóa nhằm tối ưu hóa hiệu quả.
Thông qua báo cáo, các bác sĩ, dược sĩ và cán bộ y tế tham dự có cái nhìn rõ nét về các điểm mới và ứng dụng của khuyến cáo ESC 2024 trong quản lý Hội chứng mạch vành mạn. Nội dung chuyên sâu như mô hình chẩn đoán, chiến lược điều trị cá thể hóa và ví dụ thực tế tại Bệnh viện 19‑8 đã giúp làm sáng tỏ những thách thức và giải pháp trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay.
Chương trình tiếp nối bằng phần thảo luận sôi nổi, với nhiều câu hỏi thực tiễn xoay quanh khó khăn trong chẩn đoán và điều trị hội chứng mạch vành mạn. Các trao đổi mang tính thực hành cao đã giúp củng cố kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ tham gia. Chủ trì phần thảo luận, GS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng (Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam) đã trực tiếp giải đáp các thắc mắc chuyên môn và chia sẻ góc nhìn chuyên sâu, mang lại giá trị thiết thực cho các bác sĩ, dược sĩ và cán bộ y tế tham dự.