Theo thống kê có hơn 95% nguyên nhân gây chảy máu chân răng chúng ta thường gặp đến từ việc viêm nhiễm vùng nướu răng do vệ sinh răng miệng chưa đúng cách. Đôi khi chảy máu nướu răng nghiêm trọng và thất thường có thể liên quan đến vấn đề sức khỏe toàn thân.
Chảy máu chân răng do viêm nhiễm vùng nướu
Khi viêm nướu sẽ gây chảy máu chân răng, đây là tình trạng mô nướu bị viêm, sưng đỏ, dễ chảy máu do việc vệ sinh răng miệng không đúng cách. Đa phần nguyên nhân gây chảy máu chân răng và đặc biệt là người trẻ được chẩn đoán là viêm nướu.
Cao răng, mảng bám quanh cổ răng và dưới nướu tạo điều kiện cho vi khuẩn trong khoang miệng phát triển, tấn công và làm viêm nhiễm mô nướu. Khi đó mô nướu trở nên sưng đỏ và dễ chảy máu khi chạm vào, gây nên hiện tượng chảy máu khi chúng ta đánh răng.
Do viêm nha chu
Khi viêm nướu trở nên nghiêm trọng hơn, viêm nhiễm lan đến vùng mô bên dưới mô nướu, gọi là mô nha chu. Khi đó quá trình viêm nhiễm sẽ tạo môi trường acid phá hủy mô xương bên dưới, dần dần chân răng mất xương, trở nên lung lay và yếu đi. Đây cũng là nguyên nhân gây mất răng hàng đầu ở người cao tuổi.
Cảnh báo bệnh lý toàn thân
Các tình trạng liên quan vấn đề đông máu và miễn dịch cũng làm nướu răng dễ chảy máu. Khi cao răng và mảng bám không nhiều mà nướu răng lại chảy máu nghiêm trọng, chúng ta có thể nghĩ đến các vấn đề toàn thân như: Dùng thuốc chống đông máu, thiếu máu hồng cầu liềm, bệnh bạch cầu cấp, xuất huyết giảm tiểu cầu, thiếu vitamin… cũng gây chảy máu chân răng.

Chảy máu chân răng hay còn gọi là chảy máu nướu là tình trạng dễ gặp khi đánh răng.
Chảy máu chân răng xử trí thế nào?
Khi gặp phải tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng thì nên đến gặp bác sĩ răng hàm mặt để được thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng đó để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Tùy vào tình trạng mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Thông thường sẽ điều trị lấy cao răng; Làm sạch mảng bám; Kê đơn thuốc súc miệng tùy từng tình trạng. Đồng thời bạn sẽ được hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách, để hạn chế tình trạng viêm nướu nghiêm trọng diễn ra trong tương lai.
Nếu bị viêm nha chu thì các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể, vì viêm nha chu là tình trạng nặng hơn của viêm nướu, khi đó tình trạng viêm nhiễm lan đến mô bên dưới mô nướu và phá hủy xương dần dần. Sau khi được thăm khám và chẩn đoán viêm nha chu, bệnh nhân sẽ được bác sĩ lên kế hoạch cho việc điều trị tùy mức độ bệnh.
Nguyên tắc điều trị viêm nha chu chủ yếu là làm sạch sâu bên dưới chân răng. Tái tạo lại môi trường sạch tối đa để ngăn lại quá trình viêm nhiễm của mô nha chu, nhằm bảo vệ phần xương quanh chân răng.
Việc điều trị có thể là:
- Gây tê làm sạch sâu phần chân răng dưới nướu.
- Đôi khi phải đòi hỏi phẫu thuật nhỏ, bóc tách mô nướu để làm sạch triệt để hơn rồi khâu lại.
Chảy máu chân răng tuy không phải tình trạng hiếm gặp nhưng chúng ta không thể bỏ qua. Một khi bệnh diễn tiến nghiêm trọng sẽ dẫn đến tình trạng viêm nha chu. Viêm nha chu chính là nguyên nhân gây mất răng hàng đầu trong các bệnh lý răng miệng, đặc biệt là ở người cao tuổi. Vì thế chúng ta cần vệ sinh răng miệng đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần để có được 1 sức khỏe răng miệng về lâu dài.