Theo Alexandra Rosenstock, chuyên gia dinh dưỡng tại Weill Cornell Medicine và NewYork-Presbyterian Hospital, Hoa Kỳ, một quả chuối chứa khoảng 400 mg kali. Những người khỏe mạnh, không có vấn đề về thận có thể ăn hai đến ba quả chuối mỗi ngày. Tuy nhiên, với một số trường hợp dưới đây cần đặc biệt lưu ý, vì nếu tiêu thụ nhiều chuối trong ngày có thể gây tác dụng ngược cho sức khỏe.
1. Người mắc bệnh thận nên hạn chế ăn chuối
Đối với nhiều người, tiêu thụ chuối nói chung là an toàn, nhưng những người bị suy giảm chức năng thận nên hạn chế ăn chuối, đặc biệt là ở giai đoạn suy thận.
Chuối rất giàu kali và thận của người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc loại bỏ kali dư thừa ra khỏi cơ thể, dẫn đến tăng kali máu, gây ra các vấn đề nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, yếu cơ, thậm chí ngừng tim…

Quả chuối cung cấp kali, nếu ăn quá nhiều không tốt cho người mắc bệnh thận.
2. Người bệnh đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường có thể ăn chuối, nhưng cần hạn chế và lựa chọn loại chuối phù hợp. Chuối có chứa carbohydrate, có thể làm tăng lượng đường trong máu, đặc biệt là chuối chín và chuối quá chín. Nếu ăn quá nhiều chuối, đặc biệt là chuối chín, có thể gây ra tình trạng tăng đường huyết đột ngột ở người bệnh đái tháo đường.
Do đó người bệnh nên ăn ở mức vừa phải và theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên. Chọn ăn chuối xanh hoặc chuối gần chín. Mỗi lần chỉ nên ăn 1 quả nhỏ hoặc nửa quả lớn, không nên ăn quá nhiều cùng một lúc. Nên ăn chuối vào bữa phụ, cách xa bữa chính khoảng 2 tiếng để tránh làm tăng đường huyết đột ngột.
Có thể kết hợp chuối với các thực phẩm có chỉ số GI thấp như sữa chua, các loại hạt, hoặc salad để làm chậm quá trình hấp thụ đường…
3. Người có vấn đề tiêu hóa
Chuối chứa nhiều chất xơ hòa tan, có thể gây đầy hơi và chướng bụng ở một số người, đặc biệt là những người có hệ tiêu hóa yếu. Chuối cũng chứa nhiều đường fructose và sorbitol, có thể gây khó tiêu hóa và đầy hơi ở những người nhạy cảm. Chuối xanh chứa nhiều tinh bột kháng, có thể gây khó tiêu, đầy bụng và thậm chí là tiêu chảy.
Chuối có tính axit nhẹ, có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày ở người bị đau dạ dày. Người bị IBS có thể nhạy cảm với carbohydrate lên men trong chuối, gây ra các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, chướng bụng…
Do đó, người có vấn đề tiêu hóa nên ăn chuối với lượng vừa phải và theo dõi phản ứng của cơ thể. Nếu xuất hiện các triệu chứng khó chịu sau khi ăn chuối, nên giảm lượng chuối ăn vào hoặc ngừng ăn một thời gian. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể hơn.